Tai của con người rất nhạy cảm và sự rối loạn dù nhẹ nhất ở bất kỳ phần nào của cấu trúc của tai cũng có thể gây ra vấn đề. Sự tổn thương thường do tiếp xúc kéo dài với âm thanh hoặc những âm thanh bất ngờ gây ra.
Tổn thương
Âm thanh có thể gây tác hại cho cơ thể con người theo 2 cách. Thứ nhất, âm thanh lớn gây tổn thương thể chất cho tai, vốn sẽ gây ra những vấn đề thính giác. Thứ hai, tiếng ồn kéo dài gây rối loạn xúc cảm và căng thẳng. Tổn thương đối với tai có thể lâu dài hoặc tạm thời, và những trường hợp gián đoạn thính giác tái đi tái lại sẽ gây tổn thương vĩnh viễn.
Nên đeo thiết bị bảo vệ tai để hạn chế tác hại từ tiếng ồn – Ảnh: Shutterstock
Tổn thương ở tai không luôn luôn có nghĩa là mất thính lực, mà tình trạng ù tai hoặc sự nhạy cảm về thể chất và tâm lý đối với một số âm thanh cũng được xem là tổn thương tai. Sau đây là một số tổn thương tai phổ biến nhất:
– Ù tai. Đây là tình trạng mà tai cứ “reng” liên tục từ âm thanh lớn như tiếng nhạc tại một hộp đêm hay vũ trường. Tình trạng này thường chỉ kéo dài vài giờ, sau đó tai bạn sẽ trở lại bình thường, nhưng nó cũng có thể kéo dài rất lâu.
– Mất thính lực. Tình trạng này là cảm giác không nghe được tạm thời do tiếng ồn quá lớn. Thính lực có thể được phục hồi sau một thời gian, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại, nó sẽ gây thêm tổn thương cho tai.
– Điếc vĩnh viễn. Tình trạng này xảy ra từ từ và thường là hậu quả của việc tiếp xúc với tiếng ồn liên tục.
Bảo vệ
Hạn chế ô nhiễm tiếng ồn có thể rất khó. Mặc dù vậy, chìa khóa để chăm sóc tai và giảm căng thẳng liên quan đến tiếng ồn là ý thức được khi nào bạn đang ở trong những môi trường gây tổn thương và loại bỏ nguồn gây tiếng ồn hoặc thực thi các biện pháp bảo vệ.
Tại nhà: Giữ tiếng ồn của ti vi, radio và các thiết bị âm thanh ở mức hợp lý. Đừng quên điều chỉnh âm lượng của điện thoại di động. Hạn chế đến mức thấp nhất những thiết bị gia dụng gây ồn.
Ngoài đường: Khi chạy xe máy hoặc mô tô ngoài đường, tốt nhất nên đeo thiết bị bảo vệ tai để tránh những âm thanh lớn bất ngờ.
Tại công sở: Không phải công việc nào cũng đòi hỏi người ta làm việc trong môi trường ồn ào, nhưng bạn cũng cần cảnh giác. Mức độ tiếng ồn ở các bếp ăn nhà hàng chẳng hạn sẽ tăng cao vào giờ cao điểm. Hay những điện thoại viên phải nghe tiếng ồn lớn qua tai nghe nếu họ không được trang bị thiết bị hạn chế âm lượng.