Ô nhiễm tiếng ồn sẽ gây nên một loạt những tác hại đáng sợ đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như thai nhi.

Chắc hẳn các mẹ đều biết, trong giai đoạn giữa thai kỳ, bắt đầu khoảng từ tháng thứ 6, thai nhi dần trở nên hoàn thiện và lắng nghe được những điều xảy ra bên ngoài cơ thể người mẹ. Những âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu như những bản nhạc cổ điển sẽ tác động tích cực đến sự phát triển trí não thai nhi. Ngược lại ô nhiễm tiếng ồn sẽ khiến thai nhi chịu không ít hậu quả xấu. Vì thế, mẹ bầu nên hạn chế đến những nơi đông đúc, náo nhiệt, giữ tâm trạng thoải mái, nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh để tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi. Một số tiếng ồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp khiến thai nhi dị tật dị hình, mẹ bầu bắt buộc phải tránh xa nếu muốn đảm bảo an toàn cho con.

Những tác động xấu của tiếng ồn đối với thai nhi

Ô nhiễm tiếng ồn là nguyên nhân chính gây nên nhiều tác động xấu đến con người. Riêng với thai phụ, ô nhiễm tiếng ồn còn tác động mạnh mẽ hơn, khiến cả mẹ và thai nhi phải gánh chịu nhiều hậu quả đáng sợ. Từ tuần thứ 24, mọi âm thanh mẹ bầu tiếp xúc đều có thể truyền đến thai nhi một cách dễ dàng, thậm chí còn bị khuếch đại với âm lượng lớn hơn khiến con dễ bị hoảng sợ, giật mình.

Mức âm thanh tốt nhất cho chị em bầu bí là từ 10db đến 35db. Nếu vượt qua ngưỡng này và thường xuyên tiếp xúc hàng tiếng đồng hồ với tiếng ồn ở ngưỡng 50 – 80db, mẹ bầu có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như thường xuyên đau đầu, chóng mặt, hệ tiêu hóa tổn thương, giảm sức đề kháng, các hormone nội tiết cũng không hoàn thành được nhiệm vụ vốn có, gây mất ngủ, gián đoạn giờ giấc sinh hoạt.

Đối với thai nhi, việc ô nhiễm tiếng ồn còn gây ra những hậu quả đáng sợ hơn mà các bà mẹ nhất định phải chú ý. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu bà bầu thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều tiếng ồn trong giai đoạn mang thai, tỷ lệ trẻ nhẹ cân, còi xương, sinh non và dị tật bẩm sinh cao hơn hẳn những bà mẹ khác. Không những thế, tiếng ồn còn làm giảm các hormone có lợi cho thai nhi, gây hiện tượng co mạch máu, hệ tuần hoàn không lưu thông ổn định dẫn đến tình trạng con thiếu dưỡng chất và oxy. Trong giai đoạn hệ thần kinh của thai nhi hình thành, tiếng ồn sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển bình thường của bé. Một số dị tật thường thấy nhất ở thai nhi khi chịu tác động của tiếng ồn vượt ngưỡng có thể là tăng nguy cơ mất thính giác, hở hàm ếch, sứt môi, dị tật cột sống,…

Những tiếng ồn khiến thai nhi và trẻ sơ sinh sợ hãi nhất

1. Tiếng cãi nhau

Cãi nhau khi mang thai là một trong những việc cấm kỵ đối với các bà bầu. Khi có thai, tinh thần của người phụ nữ không được ổn định và vô cùng nhạy cảm. Việc cãi nhau có thể khiến mẹ bị căng thẳng, suy sụp, hay tức giận. Đây đều là những cảm xúc không tốt cho thai nhi. Bên cạnh đó, khi bản thân mẹ la hét, lớn tiếng, nồng độ adrenosterol sẽ bất ngờ tăng cao làm thay đổi kết cấu của bào thai, dẫn đến những bất thường trong quá trình phát triển. Thai nhi sẽ vô cùng khó chịu, mệt mỏi trước những âm thanh này, vì thế, mẹ không nên tức giận, lớn tiếng và tránh xa những nơi đang xảy ra cãi vã, xô xát.

2. Tiếng máy móc

Những âm thanh của máy móc như tiếng máy bay, động cơ, tiếng còi xe, cần cẩu,… đều rất ồn ào với cường độ vô cùng lớn và kéo dài. Những loại thanh âm này sẽ khiến thai nhi khó chịu, giật mình; mẹ cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, thay đổi nhịp tim, tăng huyết áp và suy nhược toàn thân. Những tiếng động này ban đầu tác động trực tiếp đến tai, sau đó sẽ dần ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, tim mạch và các cơ quan khác gây nên những ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Mẹ bầu nên cân nhắc mỗi lần muốn ra đường, hãy tránh xa những khung giờ cao điểm, hạn chế đến sân bay và những nơi tập trung nhiều máy móc để không làm hại con trong bụng.

3. Những bài hát không phù hợp

Nếu mẹ bầu thường được khuyên nên thực hiện các phương pháp thai giáo bằng âm nhạc để con thông minh hơn với những bài nhạc cổ điển nhẹ nhàng thì ngược lại, một số bài hát không phù hợp sẽ khiến cho não bộ bé bị kìm hãm, không phát triển bình thường. Mẹ chỉ nên nghe những bài hát có ca từ vui tươi, nhẹ nhàng và tránh xa những thể loại nhạc ảo não, rầu rĩ hoặc nhạc rock ồn ào sẽ khiến bé mệt mỏi khó chịu. Đó là lý do các bà bầu không nên đến bar, club, tham gia những lễ hội âm nhạc với tần suất âm thanh lớn vì rất dễ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.

4. Tiếng khóc

Thai nhi từ 6 tháng tuổi bắt đầu sống nương vào cảm xúc của người mẹ. Vì thế, bà bầu lúc nào cũng nên giữ tinh thần lạc quan vui vẻ để tác động những ảnh hưởng tích cực đến cho con. Tiếng khóc của mẹ khiến con trong bụng không phát triển khỏe mạnh được mà sẽ dễ bị thiếu cân, thiếu oxy, sinh non, chưa kể mẹ hay khóc con sinh ra cũng rất khó chịu, ngủ kém, hay quấy. Nếu tiếng gào khóc bắt nguồn từ người khác, thai nhi cũng sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Do đó mẹ nên hạn chế đến những nơi có không khí u buồn, nhiều tiếng khóc như đám tang để tránh tình trạng tinh thần bị mệt mỏi căng thẳng theo.