Dùng tai nghe để nghe nhạc mà chưa nắm rõ những điều này thì cẩn thận hối hận đó.
Tai nghe chắc chắn sẽ khiến tai bạn bị điếc? Rất may cho bạn là không phải như vậy. Nhưng nếu không biết cách dùng đúng thì hãy luôn cẩn thận là trên hết nhé, vì đôi tai của bạn hoàn toàn có khả năng bị tổn thương bởi những giai điệu ưa thích đang nghe hằng ngày đó.
Không ai muốn thính lực của mình giống như một người già 80 khi mà mới 20 tuổi đâu nhỉ?
Hãy tham khảo những mẹo này ngay trước khi quá muộn:
1. Quy tắc 2/3
Thông thường, 85 dB là cường độ âm thanh được khuyến nghị để đảm bảo độ an toàn cho tai người khi nghe nhạc bằng tai nghe, nhất là với thiết kế áp sát ống tai như vậy. Nhưng làm thế nào để có thể đo được chính xác, chẳng lẽ cầm theo kè kè một chiếc máy đo để kiểm định?
Trên iOS của Apple có sẵn chế độ giới hạn volume, điều chỉnh được mức tối đa cho âm lượng hiện tại.
Thật ra âm lượng tối đa của hầu như tất cả các thiết bị truyền qua tai nghe đều gần nhau, nên hãy đảm bảo rằng bạn không nghe quá 2/3 tổng âm lượng của chúng là được.
Còn nếu tai bạn nhạy cảm hơn, nghe ở mức bé cũng thấy rõ thì tốt quá rồi, càng dễ tránh việc lạm dụng bật to âm lượng quá mức.
2. Thời gian làm giới hạn
Dù đã biết cách hạn chế âm lượng từ 2/3 trở xuống, nhưng nếu như bạn có sở thích nghe ở mức gần sát như vậy thì vẫn có thể gây những tác động tiêu cực nếu giữ trong thời gian quá lâu.
Vì thế, hãy nhớ cho đôi tai của mình “giải lao” mỗi dịp 60 phút trôi qua để không chịu phải thương tổn nào khả thi.
Hãy nhớ dành ra đôi phút cho đôi tai nghỉ ngơi đúng lúc.
3. Thiết kế vừa vặn
Tai nghe có 3 loại: Headphone có khung gọng trùm đầu, earbud (có hộp tai bé bằng hạt đậu) và in-ear (gần giống earbud nhưng có đầu mút cao su ở đầu để đút hẳn vào trong lỗ tai).
Từ trái sang: Headphone truyền thống, earbud của Apple, và in-ear của Galaxy S8.
Nếu chọn loại có khung gọng trùm đầu, đừng ham rẻ mà chọn đồ đơn giản, vừa chất lượng nghe kém vừa không đảm bảo cách âm. Nếu muốn có trải nghiệm tốt nhất thì hãy chọn loại sao cho vừa đủ trùm vành tai để lọt thật ít tạp âm bên ngoài vào là tốt nhất.
Còn nếu là earbud hay in-ear, hãy mua một đôi có khung/đầu mút vừa với lỗ, ống tai, với tác dụng tương tự để tránh tạp âm.
Vì trong tất cả các trường hợp, nếu có nhiều âm thanh quá hỗn loạn từ ngoài, chúng ta sẽ có xu hướng bật to âm lượng nhạc lên để nghe cho rõ – mà không nhận ra rằng nó rất có hại.
4. Tai nghe in-ear (có mút cao su) sẽ gây hại cho tai?
Câu hỏi vẫn đang bị nhiều người hiểu lầm.
Không hề nhé. Thật đáng buồn khi nhiều người có chung tư tưởng tai nghe in-ear là không tốt, rằng nó có mút cao su bít kín lỗ tai, dễ gây hỏng màng nhĩ, rồi hàng loạt các suy nghĩ khác.
Nhưng không phải vì thiết kế khác lạ so với truyền thống mà nó lại đáng hắt hủi. Thực tế, tác dụng đàn hồi vừa khít của mút cao su rất tốt trong việc ngăn tạp âm, lại không gây đau tai do cứng nhắc như nhựa.
Ngoài ra, mỗi đôi tai cũng được tặng kèm 4-6 cặp mút cao su khác để thay đổi nếu cỡ tai của bạn to nhỏ hơn. Và tất nhiên, khi đó bạn sẽ không phải bật to volume lên vì có quá nhiều tạp âm lọt vào nữa rồi.
5. Chọn mua tai nghe khử âm
Thiết kế khá hầm hố và đầy tính hiện đại của một dòng tai nghe khử âm từ BOSE.
Tai nghe khử âm là gì? Đó là những bộ tai nghe mà có chức năng vừa phát nhạc, vừa theo dõi và thu lại âm thanh ở môi trường xung quanh.
Sau đó chúng dùng cơ chế có sẵn để tạo ra một loại âm thanh mà bạn sẽ không hề nhận ra là đang được phát kèm với nhạc, nhưng lại có tác dụng “khử” tần số các tạp âm lọt vào.
Điều này hoàn toàn khác và tân tiến hơn nhiều vì chúng khử âm một cách chủ động, chứ không giống việc cách âm thụ động bằng khung hoặc thiết kế ôm tai, nên “đắt xắt ra miếng” cũng là điều dễ hiểu.
Dù sao thì cảm giác và cả hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ khiến bạn phải bất ngờ hơn nhiều, vừa bảo vệ đôi tai, vừa thấy hài lòng, mãn nguyện.