Giỏ hàng

7 bệnh thông thường về tai, phòng ngừa và cách điều trị

Các bệnh lý về tai là khác nhau về mức độ từ nhẹ đến nặng. Có những bệnh lý cần phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những bệnh về tai đơn giản, thường gặp trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta có thể dự phòng hoặc xử trí tại nhà.

Dưới đây là một số bệnh về tai đơn giản, có thể phòng ngừa và điều trị tại nhà.

 

Vành tai và ống tai ngoài

Vệ sinh vành tai rất cần thiết, nhất là ở nơi lồi lõm của mặt trước. Ít người để ý đến vấn đề này. Vành tai dơ, đóng bụi, vi khuẩn có thể vào trong ống tai để gây bệnh. Nên tập thói quen, trong khi tắm mỗi ngày nên lấy ngón tay trỏ cho vào chéo khăn, lau hết các ngoắt ngoéo của mặt trước vành tai. Ở trẻ em quá nhỏ, người nhà phải làm thay mỗi lúc tắm em. Nhiều khi trong lúc tắm nước vào ống tai, làm ẩm ống tai, gây nhiễm trùng, nhiễm nấm. Trước khi tắm nên se bông gòn sạch to cỡ đầu ngón út, nhét vào hai lỗ ống tai ngoài. Sẽ lấy bông gòn này ra sau khi tắm xong. Trường hợp bệnh nhân bị viêm tai giữa có chảy mủ tai, nhét bông vào ống tai ngoài khi tắm là cần thiết. Tránh bội nhiễm do nước dơ, nước xà phòng từ ngoài tràn vào.

 

Ráy tai

Ai cũng có ráy tai, không ít thì nhiều, nên móc ra mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần. Sử dụng móc tai thường dùng là tốt nhất. Mỗi người nên có móc tai riêng để sử dụng như bàn chải đánh răng cá nhân. Giá thành một móc tai rất rẻ, mua một móc tai có thể dùng suốt đời mà không thấy mòn. Nên rửa sạch bằng xà phòng trước khi sử dụng. Đối với trẻ em quá nhỏ, cha mẹ lấy ráy tai dùm. Tránh chạm mạnh vào thành ống tai, gây trầy xước, nhiễm trùng. Đàn ông có thể để lấy ráy tai tại tiệm hớt tóc mỗi khi cắt tóc, nhưng phải sử dụng bộ ráy tai sạch của mình từ nhà đem đến để tránh nhiễm trùng, nhiễm nấm. Không nên cho sử dụng bộ lây ráy tai công cộng của người hớt tóc. Bộ này thường không sạch. Có móc ráy tai thì cũng chỉ móc độ sâu không quá 1cm. Vào sâu quá người ta bị đau và rất có thể gây thủng màng nhĩ.

Trong trường hợp lâu năm không lấy, ráy tai to, đông khô và bịt kín ống tai, gây nghe kém, nên đến bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để lấy ra. Không nên lấy tại nhà, nếu không biết lấy, cục ráy tai cứng sẽ bị đẩy vào trong sâu, có thể làm thủng màng nhĩ. Có thể bơm nước vào ống tai cho ráy tai trồi ra.

 

Dị vật tai

Đây là bệnh trẻ em, rất hiếm ở người lớn. Trẻ độ 2 – 3 tuổi, sau khi chơi đồ chơi nhỏ như mảnh giấy, mảnh bông, hột tiêu, hột đậu xanh, trẻ thường bỏ vào tai của mình, hoặc bỏ vào tai bạn mình ở các nhà trẻ và trường mẫu giáo. Trẻ thường không báo cho gia đình, đây là bệnh phát hiện ngẫu nhiên. Dị vật tai không di động được chia ra làm hai loại: loại dị vật giẹp như mảnh giấy, mảnh mica, mảnh mousse, mảnh bông gòn, và loại dị vật tròn như hột tiêu, hột chuỗi, hột đậu xanh, viên bi xe đạp… Đối với dị vật giẹp, dị vật không thể vào sâu, dị vật lấp ló ở cửa ống tai, có thể kẹp em bé cho chắc, lấy nhíp bếp gắp dị vật ra dễ dàng, không cần phải đi bệnh viện xin gắp ra. Đối với dị vật tròn, dị vật có thể vào sâu hơn, cho bệnh nhân nghiêng đầu, tai có dị vật ngó xuống đáy, lắc mạnh đầu, dị vật có thể rớt ra. Nếu không thành công, nên kềm trẻ cho chắc, lấy móc tai móc từ đầu trong dị vật ra. Nếu không thành công, không nên quyết tâm lấy ra cho bằng được, nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi họng.

Kiến vào tai là bệnh thường gặp, ở thành phố cũng như ở nông thôn, ở người lớn cũng như ở trẻ em. Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng, tai có con kiến ngó trên trần nhà, nhỏ nước ấm 370, 3705 vào tai đúng cách (xem “Nhỏ tai đúng cách” trong trang 69),con kiến sẽ trồi lên, và bò ra ngoài. Ở nông thôn, nơi có nhiều ruộng lúa, trong lúc tuốt lúa, hột lúa có thể văng vào ống tai. Trẻ em cũng như người lớn đều bị bệnh này. Ban đầu hột lúa không thể nào vào sâu, thấy lấp ló ở cửa ống tai ngoài. Không nên dùng kẹp để gắp ra. Đầu hột lúa khá trơn, không kẹp được, hột lúa sẽ bị đẩy dần vào trong, gây thủng nhĩ và nằm trọn trong tai giữa. Phải đưa vào bệnh viện mổ lấy ra. Khi hột lúa còn ở mấp mé ống tai, dùng bơm tiêm 5cc hoặc 10cc, hút lấy nước ấm sạch bơm thẳng vào ống tai. Nước sẽ ra ngoài, và lôi hột lúa ra một cách dễ dàng.

Dụng cụ soi tai thường dùng của bác sĩ

 

Chảy mủ tai

Viêm tai giữa là bệnh thường thấy ở trẻ em và người lớn. Bệnh nhân bị chảy mủ tai tương đối thường xuyên. Điều trị bệnh này tương đối khó vì dễ tái phát. Làm tai khô và điều trị kháng sinh, bệnh có thể tạm ổn. Làm tai khô bằng cách lấy que bông cho vào tai. Khi bông thấm đầy mủ, bỏ que này lấy que khác thế vào. Phải dùng đến 5 – 7 que tai mới khô mủ. Mỗi khi thấy có mủ là phải làm khô tai. Có thể một ngày làm 2 – 3 lần. Ở nơi không có que bông có thể lấy lọ nhỏ mắt cũ có vòi sẵn. Rửa sạch, để khô. Bóp lọ nhỏ mắt cho không khi thoát ra, đưa vòi vào ống tai, nơi có mủ, mở tay ra, mủ sẽ bị hút vào trong lọ. Bóp cho mủ ra ngoài, sau đó làm lại như cũ. Phải làm như vậy 2 – 3 lần mới mong phần lớn mủ được hút ra. Nếu vòi lọ nhỏ mắt ngắn, có thể ráp vào đầu ống dịch truyền dài độ 2cm.

 

Chảy máu tai nhẹ

Chảy máu tai nhẹ thường do sây sát khi móc tai, hoặc có người đụng vào. Có thể cầm máu bằng nhét bông sạch vào ống tai, không cần phải đi bệnh viện

 

Nhỏ tai đúng cách

Bị viêm tai giữa, tai chảy mủ, hút sạch mủ như nói trên, sau đó nên nhỏ tai có kháng sinh. Phải biết nhỏ tai đúng cách thì thuốc mới đến tận màng nhĩ. Cho bệnh nhân nằm nghiêng, tai cần nhỏ hướng lên trần nhà. Nhỏ vào mép ống tai, thuốc sẽ chảy dọc theo thành ống tai và đến tận màng nhĩ. Nhỏ 5 – 7 giọt mà chưa thấy đầy ống tai là nhỏ đúng. Nhỏ 2 – 3 giọt mà đã thấy đầy ống tai là nhỏ sai, thuốc nhỏ chỉ lủng lẳng ở trên, còn phần dưới, vùng màng nhĩ thì thuốc không tới được.

 

Điếc

Có hai loại điếc: điếc bẩm sinh và điếc mắc phải. Điếc bẩm sinh là do gen khiếm khuyết và di truyền theo định luật Mendel. Đây là điếc từ trong bụng mẹ, điếc đặc, điếc rất nặng. Điếc mắc phải trong bào thai là khi mẹ có thai mà dùng những thuốc có hại đến thần kinh tai như Streptomycine, Neomycine, Gentamycine, Quinine… bào thai sẽ bị ảnh hưởng, và trẻ bị điếc đặc. Đây là điếc mắc phải do thuốc. Khi còn trẻ cũng như khi đã lớn mà dùng các thuốc độc hại thần kinh tai kể trên, bệnh nhân cũng bị điếc tiếp nhận, và điếc khá nặng. Nhiều em khi mới sinh hệ thống nghe hoàn toàn bình thường, nhưng trong quá trình lớn lên, tai giữa bị nhiễm trùng, thủng nhĩ và chảy mủ, bệnh nhân bị điếc, đây là điếc dẫn truyền, thường điếc ở mức độ trung bình

Đối với em bé mới sanh ra, cha mẹ ông bà thường xem trẻ có sứt môi, chẻ vòm, lé, dư ngón tay… nhưng ít ai để ý coi trẻ có bị điếc hay không. Thử điếc trẻ sau sanh tương đối dễ. Có một dụng cụ chuyên dùng tạo ra âm thanh với tần số và cường độ nhất định. Chỉ để dụng cụ này cách tai 50cm, và cho âm thanh dụng cụ reo lên. Em bé giật mình, chớp mắt, khóc ré là trẻ còn nghe được. Nếu không có phản ứng gì, để dụng cụ gần từ từ, 25cm, 10cm, 5cm, nếu trẻ không có phản ứng gì, khả năng trẻ bị điếc rất lớn. Nếu không có dụng cụ chuyên dùng này, có thể lấy cây muỗng, gõ vào cái ly không để tạo âm thanh thay thế dụng cụ trên.

 

Khám bệnh Tai Mũi họng

Với các bệnh về Tai thông thường, có thể tự xử trí tại nhà theo hướng dẫn đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu nhận thấy khó khăn trong việc xử trí nên đưa người bệnh đi gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi họng để được hỗ trợ, tránh tự ý điều trị tại nhà làm bệnh có thể trầm trọng hơn.

0886320318
Facebook Instagram Youtube Twitter Top