Viêm màng tai ngoài nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm xương chum, thủng màng nhĩ và điếc.
Bé Việt Anh (Hà Nội) thường khó chịu, ngứa trong tai và sốt sau thời gian đi bơi. Siêu âm tai mũi họng tại bệnh viện, bác sĩ cho biết tai cháu có hiện tượng đỏ, sưng nề, mũi tiết dịch nhầy và amindan sưng đỏ. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tai do viêm nhiễm khi bơi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Viện trưởng Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, chứng viêm màng tai ngoài rất dễ gặp khi đi bơi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khi tiếp xúc với môi trường nước, ngụp lặn trong nước, vi khuẩn dễ xâm nhập vào trong tai. Nước ứ đọng bên trong gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm màng tai ngoài:
– Đỏ da ống tai ngoài; ngứa trong tai.
– Đau tai, đặc biệt khi đụng vùng vành tai, cảm giác đau có thể lan đến vùng cổ, mặt hoặc đầu.
– Chảy dịch tai (cảm giác có nước trong tai).
– Phù nề quanh tai; sưng nề vùng ống tai ngoài.
– Nghe kém. Cảm giác đầy – nặng trong tai, sốt.
Viêm màng tai ngoài là bệnh hay gặp và mức độ nguy hiểm nhẹ. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như viêm xương chum, thủng màng nhĩ và điếc. Vì vậy, “phát hiện và điều trị sớm cho trẻ là hết sức cần thiết”, bác sĩ Dinh cho biết.
Chia sẻ của bác sĩ Dinh
Để phòng bệnh viêm màng tai ngoài, bác sĩ Dinh khuyên:
– Những em bé đang viêm tai, mũi, họng tuyệt đối không nên bơi.
– Chọn những bể bơi có độ diệt khuẩn cao.
– Khi bơi xong, cho nước khỏi ống tai bằng động tác nghiêng ống tai sau đó kéo vành ống tai tạo đường thẳng rồi lắc lắc để nước ứ đọng trong tai được ra ngoài.
– Lau tai bằng giấy vệ sinh hoặc thấm bằng bông sạch sẽ sau khi bơi. Cẩn thận hơn, có thể sát trùng bằng cồn.
– Sau khi bơi, nhất là với người có triệu chứng đau tai từ trước, không nên dùng tăm bông ngoáy tai. Ngoáy tai dễ kích thích làm xây xát niêm mạc ống tai, tạo điều kiện viêm gia tăng.