Nghe là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người. Vì vậy, suy giảm thính lực, nặng hơn là mất thính lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống. Điều này có thể xảy ra nếu ta không biết gìn giữ đôi tai vì những thói quen có hại như mang tai nghe thường xuyên, vệ sinh tai không đúng…
Dưới đây là bốn “thủ phạm” gây hại cho tai thường gặp. Biết những nguy cơ gây hại cho tai để chủ động “né” chúng là điều nên làm giúp bảo vệ đôi tai mình.
Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai thường do vi trùng gây nên. Bệnh của tai thường gặp do nhiễm trùng là viêm vành tai và ống tai (với tai ngoài), viêm hoặc chảy mủ (với tai giữa). Tổn thương từ đường ống tai vào trong hoặc theo đường mũi họng tới vòi nhĩ và lan lê tai giữa.
Đặc biệt trẻ em rất dễ bị nhiễm trùng tai. Khi bị viêm tai giữa, các bé thường bị chảy mủ tai. Sau một tuần, thính lực của bé sẽ kém một mức độ. Nếu để lâu, có thể chuyển thành mạn tính, gây thủng màng nhĩ, thủng nhĩ không liên, nghe kém… Trong trường hợp này, cách phòng tránh hiệu quả nhất là chữa trị kịp thời những bệnh tai-mũi-họng, đặc biệt là cảm lạnh, cảm cúm. Với trẻ em, nên điều trị tốt viêm họng, viêm amiđan…
Một nguyên nhân khác cũng gây nhiễm trùng tai là cách thức vệ sinh tai không đúng, dù dùng tăm-bông.
Ngoài ra, bơi lội trong hồ cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tai. Biểu hiện thường là viêm tai ngoài, vành ống tai. Triệu chứng thường là đau, ngữa, cảm giác khó chịu do sưng. Cơn đau tăng nhiều hơn khi nhai hoặc khi ấn vào vùng trước tai. Nhìn vào có thể thấy ống tai bị sưng đỏ, chảy nước như mủ.
Khi phát hiện những dấu hiệu trên, cần đến bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ khám, hướng dẫn sử dụng thuốc, cách lấy ráy tai, nhỏ thuốc và chăm sóc thích hợp. Nếu chữa bệnh sớm, có thể khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Cách phòng nhiễm trùng tai trong trường hợp này là chọn nơi có nước sạch khi bơi. Nên trang bị những vật dụng cần thiết để bảo vệ tai như nút tai, giữ tai khô sau khi bơi hoặc tắm. nếu nước vào tai, nên nghiêng đầu hoặc lắc nhẹ cho nước ra ngoài. Sau đó, dùng khăn lau khô tai.
Suy giảm thính lực hoặc nặng hơn là mất thính lực hoàn toàn làm giảm chất lượng sống của rất nhiều người, khiến họ tự ti, mặc cảm. “Thủ phạm” của tình trạng này mà gì? Làm thế nào để tìm được và sử dụng hiệu quả “trợ thủ” đắc lực cho đôi tai? Chuyên đề số này sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời. |
Chấn thương gây tổn hại đôi tai
Có hai loại: Chấn thương thông thường và chấn thương âm thanh.
Chấn thương thông thường là những tai nạn do yêu tố cơ học như bị đánh, ngã… làm ảnh hưởng đến vùng tai. Chấn thương âm thanh gồm cấp tính và mạn tính. Chấn thương cấp tính do nghe tiếng động, âm thành quá lớn như tiếng nổ, nhà sập… Chấn thương mạn tính là do làm việc ở môi trường ồn ào, mang tai nghe, nghe loa to ở các tụ điểm ca nhạc âm thanh lớn…
Trong những trường hợp này, giảm sự tiếp xúc với tiếng ồn là cách phòng ngừa đạt hiệu quả cao. Với người phải làm việc trong môi trường ồn ào như những công ty sản xuất, vận hành máy móc gây tiếng động lớn, nên có biện pháp giảm ồn như mang tai bảo vệ và phải đi khám định kỳ kiểm tra thính giác. Với người thường xuyên sử dụng tai nghe, nên giảm tần suất sử dụng. Nếu sử dụng, nên chỉnh âm thanh vừa đủ nghe.
Sử dụng thuốc không đúng
Một số loại thuốc có tác dụng phụ, có thể gây ngộ độc. Nó ảnh hưởng xấu đến tai, làm giảm khả năng nghe, thậm chí gây điếc vĩnh viễn không phục hồi được. Đặc biệt là thuốc kháng sinh, như: Glucosid, Streptomyci, Kanamycin… Những thuốc kháng sinh này gây tổn hại đến đôi tai.
Mức độ giảm thính lực khác nhau tùy cơ địa của từng người. Nếu sử dụng liên tục các thuốc trên từ 7-10 ngày, người sử dụng sẽ giảm sức nghe. Nếu tiếp tục sử dụng trong thời gian dài, sẽ dẫn đến điếc nặng (người cao tuổi thường bị nặng hơn).
Khi dùng thuốc mà có các biểu hiện ù tai, chóng mặt, bạn nên thông báo cho bác sĩ ngay. Nếu chữa trị không kịp thời, tế bào thính giác bị hư hỏng, không thể tái sinh. Vì vậy, điều cần lưu ý là phải dùng thuốc có chỉ định, theo đúng liều lượng kê toa của bác sĩ.
Bệnh nội khoa do chuyển hóa
Một số bệnh như xơ mỡ dộng mạch, cao huyết áp cũng ảnh hưởng đến đôi tai của bạn. Khi bị những bệnh kể trên, chúng gây tắc mạch các nhánh ở tai trong. Điều này làm tai trong bị thiếu máu do máu nuôi dưỡng không đến được nơi cần đến, vì hệ thống cung cấp máu tai trong chỉ có một chiều, không có tuần hoàn thông thường với các vùng khác. Nếu bị tắc nghẽn một nhánh, máu cũng không thể vào hỗ trợ.
Trong trường hợp tắc nghẽn như vậy, tình trạng sẽ không thể hồi phục. lúc này, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như ù tai, chóng mặt. Vì thế, những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch phải đi xét nghiệm đường, mỡ, cholesterol trong máu theo định kỳ để phòng ngừa hậu quả có thể xảy ra.
Thông thường, điếc sẽ được chia làm 4 cấp độ: – Cấp độ 1: tai sẽ không nghe được âm thanh ở ngưỡng từ 30-40dB (decibel). Nếu điều trị sớm ở giai đoạn này, sẽ hồi phục nhanh chóng. – Cấp độ 2: Chỉ nghe được âm thanh dao động ở mức từ 40-60dB. Nếu đến giai đoạn này mới phát hiện, vẫn còn khả năng phục hồi thính lực. – Cấp độ 3: Chỉ nghe được âm thanh ở mức từ 70 đến gần 90 dB. Ở cấp độ này, rất khó khăn trong việc chữa trị để tai có thể hồi phục. – Cấp 4: Được gọi là điếc sâu hay điếc hoàn toàn. |
Tư vấn chuyên môn
GS. TS. BS NGUYỄN HỮU KHÔI