Cuộc sống hiện đại, tiếng ồn ào từ phương tiện giao thông, động cơ, máy móc,… “tra tấn” đôi tai mỗi ngày, khiến thính lực dần dần bị giảm sút mà bản thân chúng ta đều không biết. Do đó, chủ động bảo vệ đôi tai sẽ phòng ngừa tình trạng suy giảm thính lực.
Thính giác là một trong năm giác quan nhạy cảm và chuyên biệt của con người, giúp tiếp thu âm bằng cách phát hiện dao động thông qua tai. Nhờ bộ phận này, con người có thể cảm nhận được âm thanh có tần số từ mức nhỏ nhất là 16hZ (héc) đến mức lớn lên tới 20.000hZ. Cường độ âm thanh to hay nhỏ là một trong những yếu tố tác động trực tiếp tới thính lực của đôi tai. Thông thường, âm thanh khi nói chuyện có cường độ 50 – 60dB. Tuy nhiên, ở khu vực thành thị với việc ô nhiễm tiếng ồn, đôi tai phải chịu những tác động âm thanh độc hại.
Theo quy ước quốc tế, mức độ gây hại của tiếng ồn là 85dB, tuy nhiên, đôi tai hàng ngày phải chịu những mức độ nguy hại hơn như vậy rất nhiều, chẳng hạn: cường độ tiếng ồn của còi xe là 90dB, máy móc tại công trường là 95dB, thậm chí máy bay phản lực lên tới 130dB. Thông thường, khi tiếng ồn có cường độ lớn trên 90dB, trong tai sẽ xảy ra những phản ứng hiệp đồng giữa các cơ, căng da ống tai và xơ cứng chuỗi xương nghe để giảm sự dẫn truyền, nhờ đó giảm bớt được tác hại của tiếng ồn. Tuy nhiên, phản ứng bảo vệ này chỉ giảm được một phần tác hại trong thời gian ngắn, nếu kéo dài sẽ dẫn đến những tổn thương trong các mô không thể hồi phục, từ đó dẫn tới giảm thính lực và điếc vĩnh viễn. Theo tổ chức Y tế thế giới, hiện nay có đến 7% dân số toàn cầu bị điếc, tỷ lệ này đang có nguy cơ tăng cao nếu bản thân mỗi người không biết cách tự bảo vệ đôi tai của mình.
Về điều trị, bác sĩ có thể dùng corticoid tiêm xuyên nhĩ cho người mới bị suy giảm thính lực. Đối với những trường hợp lão thính đã kéo dài, sử dụng máy trợ thính vẫn là phương pháp phổ biến nhất. Tuy nhiên, để lựa chọn một máy trợ thính thích hợp, bệnh nhân cần được khám kỹ, thực hiện nhiều thử nghiệm đo sức nghe. Ngoài ra, việc vệ sinh và sử dụng những công cụ máy móc phức tạp vẫn khiến người cao tuổi cảm thấy phiền toái. Nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh có thể chọn phương pháp phẫu thuật. Tuy vậy, chứng lãng tai liên quan tới cả bộ máy thính giác và với người cao tuổi, việc đụng dao kéo cũng không hề dễ dàng.